Tỉnh có phía Bắc giáp tỉnh Hà Giang, phía Đông Bắc giáp Cao Bằng, phía Đông giáp Bắc Kạn và Thái Nguyên, phía Nam giáp Vĩnh Phúc, phía Tây-Nam giáp Phú Thọ, phía Tây giáp Yên Bái. Tuyên Quang nằm ở trung tâm của lưu vực sông Lô, sông Gâm chảy qua tỉnh theo hướng Bắc-Nam và nhập vào sông Lô ở phía Tây Bắc huyện Yên Sơn chỗ giáp ranh giữa ba xã Phúc Ninh, Thắng Quân và Tân Long.
Tuyên Quang nguyên cũng là một vùng đất thuộc xứ Thái, nhưng từ thế kỷ 13 đã chịu sự kiểm soát của triều đình Việt Nam dưới đời nhà Trần. Triều Trần gọi là lộ Quốc Oai, sau đổi là châu Tuyên Quang. Dưới đời vua Trần Hiến Tông (niên hiệu Khai Hữu, 1329-1341), châu Tuyên Quang đổi thành trấn, rồi thành phủ Tuyên Hóa dưới thời Minh thuộc.
Sau khi vua Lê Thái Tổ đuổi xong giặc Minh, ngài đặt phủ Tuyên Hóa thuộc Tây Đạo. Đời vua Lê Thánh Tông, Tuyên Quang gồm một phủ và năm huyện và trở thành tỉnh Minh Quang dưới triều vua Lê Uy Mục. Đời Lê Trang Tông, đổi Minh Quang thành doanh An Tại, cho dòng họ Vũ người Thái làm doanh trưởng.
Họ Vũ nhân thời loạn tự lập ở Tuyên Quang, chống chính quyền cai trị ở Thăng Long. Thời Nam Bắc triều, họ Vũ không theo nhà Mạc mà theo nhà Lê trung Hưng ở Thanh Hoá, nhưng khi nhà Lê Trung Hưng về Thăng Long, họ Vũ cũng không thần phục hoàn toàn. Các đời họ Vũ trấn giữ trên thành ở núi Bầu nên được gọi chung là Chúa Bầu, xây dựng nên một hệ thống thành nhà Bầu rộng khắp rất nhiều trong một vùng rộng lớn suốt từ ngã ba Đoan Hùng ngược lên hết địa phận huyện Lục Yên.
Năm 1699, Vũ Công Tuấn bị triều đình vua Lê chúa Trịnh bắt và giết. Triều đình đặt chức Lưu thủ ở Tuyên Quang để điều khiển các tộc trưởng Thái.
Mang đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu lục địa Bắc Á Trung Hoa nên Tuyên Quang có 2 mùa rõ rệt, mùa đông lạnh khô hạn và mua hè nóng ẩm mưa nhiều, mưa bão tập trung từ tháng 5 đến tháng 8 và lạnh nhất là tháng 11 và tháng 12. Tuyên Quang cũng mang đặc trưng của khí hậu miền Bắc nên chỉ cần để ý dự báo thời tiết trước chuyến đi là các bạn sẽ không cần quá bận tâm lo lắng cho hành trình của mình
Thời điểm thích hợp để đi Tuyên Quang là vào khoảng tháng 10-11, các bạn thường đi du lịch Hà Giang vào khoảng thời gian này, có thể kết hợp để khám phá Tuyên Quang luôn bởi cả 2 tỉnh đều nằm trên cùng một tuyến đường.
Một khoảng thời gian rất tuyệt vời khác để du lịch Tuyên Quang là vào rằm trung thu, kể từ năm 2004 Tuyên Quang đã tổ chức một trong những lễ hội rước đèn trung thu lớn nhất cả nước – Lễ hội thành Tuyên với sự tham gia của hàng chục nghìn người đến từ khắp mọi nơi trong và ngoài tỉnh.
Thành phố Tuyên Quang cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 125 km. Đường đi nhanh nhất là theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai sau đó vào cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ. Thời gian di chuyển toàn bộ tuyến đường khoảng 2 tiếng.
Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ vừa được khánh thành hôm 23/12, dài 40,2 km, có điểm đầu thuộc xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang và điểm cuối kết nối với nút giao IC9 cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Xe khách từ Hà Nội đi Tuyên Quang xuất phát từ bến Mỹ Đình hoặc Giáp Bát. Thời gian di chuyển khoảng 2 tiếng rưỡi. Giá vé dao động từ 70.000 đồng đến 150.000 đồng.
Ngoài ra, các bạn có thể sử dụng dịch vụ cho thuê xe du lịch đi Tuyên Quang tại Bình Minh Mới. Chúng tôi là một đơn vị cho thuê xe du lịch và xe dịch vụ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cho thuê xe du lịch và xe dịch vụ, luôn có thể đáp ứng được những nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Tự hào là một đơn vị lâu năm chuyên nghiệp đã từng phục vụ cho hàng trăm nghìn lượt khách hàng, Bình Minh Mới sẽ luôn là địa chỉ uy tín để đồng hàng cùng với Quý khách đi khắp muôn nơi.
Tuyên Quang có 546 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, trong đó có 435 di tích lịch sử, được ví như "Bảo tàng cách mạng" của cả nước.Tân Trào là xã ở đông bắc huyện Sơn Dương, gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở xã có 17 di tích, ghi lại những sự kiện lịch sử ngày đầu lập nước như Lán Nà Lừa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, đình Hồng Thái cùng với những nơi ghi dấu ấn cuộc kháng chiến suốt 9 năm.
Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 8/1945 để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Lán được dựng bằng tre theo kiểu nhà sàn. Ngày 4/6/1945, tại đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập hội nghị cán bộ để chuẩn bị thành lập "khu giải phóng, quân giải phóng", tiến tới Quốc dân Đại hội và tổng khởi nghĩa. Hiện lán vẫn được bảo tồn và là điểm du lịch nổi tiếng dành cho du khách khi tới Tuyên Quang.
Dưới bóng cây đa của làng Tân Lập, chiều 16/8/1945, quân giải phóng Việt Nam làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc bản quân lệnh số 1 và sau đó quân Giải phóng đã lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Hà Nội.
Đây là ngôi đình thờ Thành Hoàng làng và các vị thần sông, núi của làng Tân Lập. Đình được dựng năm 1923 theo kiểu nhà sàn, cột gỗ 3 gian 2 chái, mái lợp lá cọ. Tại đây, ngày 16/8/1945, các đại biểu họp Quốc dân Đại hội đã tán thành chủ trương tiến hành Tổng khởi nghĩa, quy định quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, quốc ca là bài Tiến quân ca và cử ra Uỷ ban Giải phóng Dân tộc (Chính phủ lâm thời) do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Sáng 17/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời thề trong lễ ra mắt Quốc dân tại đây.
Là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Pháp. Hang nằm ở trên lưng chừng núi Bòng, dưới chân núi là sông Phó Đáy uốn khúc ôm lấy bên hữu dãy núi. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo chiến dịch Biên giới 1950 và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 vào năm 1951.
Thành nhà Mạc nằm ở phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang. Thành được xây dựng từ năm 1592, thời nhà Mạc và được sửa chữa vào thời đầu nhà Nguyễn (thế kỷ 19). Thành có vị trí quân sự quan trọng, án ngữ bên bờ sông Lô và nằm trên trục giao thông thuỷ bộ, từng gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Thành là di tích kiến trúc nghệ thuật, cũng là nơi đã diễn ra nhiều trận đánh của các cuộc khởi nghĩa nông dân, các trận đánh Pháp, Nhật, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với nhân dân Tuyên Quang khi về thăm sau 6 năm xa cách.
Thành hiện không còn nguyên vẹn nhưng vẫn giữ được những phần cơ bản, là biểu tượng của lịch sử Tuyên Quang. Gần đây, thành đã được phục dựng, tu bổ một số hạng mục như hai cổng thành và 140 m tường còn lại.
Nằm ở trung tâm thành phố, ngay sát sông Lô, quảng trường Nguyễn Tất Thành có diện tích trên 8,5 ha, là điểm đến mang giá trị lịch sử, văn hóa có ý nghĩa với người dân Tuyên Quang. Chính giữa quảng trường là tượng đài "Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang", sát chân núi Thổ Sơn. Công trình khởi công đầu năm 2012 và hoàn thành vào kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2015).
Năm 2022, quảng trường Nguyễn Tất Thành được BTC giải thưởng "Phong cảnh thành phố châu Á" công nhận là một trong 11 công trình, dự án xuất sắc.
Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình được ví như "thần tiên nơi hạ giới", nằm cách TP Tuyên Quang hơn 100 km. Là hợp lưu của sông Lô và sông Gâm, xung quanh núi đá vôi, rừng nguyên sinh, nơi đây còn được mệnh danh là "Hạ Long giữa đại ngàn". Toàn khu có tổng diện tích 15.000 ha, trong đó có hơn 8.000 ha mặt nước hồ. Đường đi cũng rất đẹp, uốn lượn quanh núi đồi. Du khách sẽ có khoảng không gian rộng để khám phá và thư giãn, đặc biệt là du ngoạn trên lòng hồ. Thuyền trên hồ hoạt động từ 8h đến 17h hàng ngày.
Nằm ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, cảnh sắc Na Hang luôn ngập trong sương mù, đặc biệt mùa đông từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Đây cũng là thời điểm đẹp để tới Na Hang.
Du khách được thăm thú nhiều địa điểm như: Đền Pác Tạ, du thuyền ngoạn cảnh thác Mơ, thác Khuổi Nhi, khám phá hang động, rừng nguyên sinh gỗ quý, ngắm voọc nô đùa. Một trải nghiệm thú vị khác là trekking trong rừng già nguyên sinh thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình. Ngoài ra còn có nhiều hang động đẹp như hang Bó Kim (xã Thanh Tương), hang Khau Quang (xã Năng Khả), hang Phia Muồn (xã Sơn Phú), hang Khuổi Pín (xã Khuôn Hà) và các thác nước như thác Nặm Me (xã Khuôn Hà), thác Khuổi Nhi (xã Thượng Lâm), thác Mơ (thị trấn Na Hang).
Trên hồ Na Hang có một điểm đặc biệt là Cọc Vài (Vài Phạ) linh thiêng, ai đi thuyền đến đây đều xin một điều ước. Cọc Vài cao 50 m, là một cột đá tự nhiên trong lòng hồ. Du khách đi thuyền dạo ngang cột đá thường được hướng dẫn viên gợi ý nên xin một điều ước cho bản thân hoặc gia đình, vì đây là nơi linh thiêng, may mắn.
Suối khoáng Mỹ Lâm nằm cách TP Tuyên Quang 12 km về phía tây nam, là khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Nước khoáng thiên nhiên Mỹ Lâm được các nhà địa chất học người Pháp phát hiện từ năm 1923, trong và nóng, luôn ổn định ở mức 67 độ C, lấy trực tiếp từ mạch nước ngầm sâu hơn 150 m. Khu du lịch có đủ hệ thống khách sạn, nhà hàng, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách khi tới trải nghiệm.
Thác Mơ (còn gọi là thác Pác Ban) cách thành phố Tuyên Quang gần 100 km. Là quần thể gồm ba ngọn thác, cảnh sắc tại thác Mơ mơ mộng và huyền bí, được ví như chốn "bồng lai tiên cảnh", thích hợp với các bạn trẻ thích chụp ảnh.
Có hai con đường để đến tham quan thác Mơ. Nếu du khách muốn thong thả và tốn ít sức lực nên đi bằng thuyền. Những du khách thích phiêu lưu và muốn có nhiều điểm chạm hơn thì có thể tiếp cận bằng đường bộ. Ngoài ra du khách thoải mái tham quan rừng nguyên sinh bao quanh thác. Khách du lịch sẽ được chạm tới những cây táu, cây lát cao xanh, những thảm lá khổng lồ. Nơi này ít dịch vụ nên chỉ tham quan trong ngày.
Thác Bản Ba nằm bên triền núi Phiêng Khàng, thuộc xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa, cách TP Tuyên Quang 70 km. Từ Chiêm Hóa, con đường nhỏ rẽ vào thác dài 25 km sâu trong rừng. Thác đẹp độc đáo bởi cả chuỗi thác liên hoàn, với ba tầng thác lớn gồm Tát Củm, Tát Cao, Tát Gió. Chuyển tiếp giữa các tầng thác là những tầng thác nhỏ có độ cao 5-7 m, có nhiều khe nước nhỏ và các vực nước trong.
Đến Bản Ba, du khách còn được thám hiểm rừng già với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, nhiều loại gỗ quý, thân dây leo. Dưới chân thác, những cánh đồng quanh năm tươi tốt tạo nên bức tranh thiên nhiên đẹp. Nếu du khách muốn tìm địa điểm nghỉ chân thì nên chọn nhà sàn của đồng bào dân tộc và thưởng thức rau dớn, gà đồi, cá nướng, lợn tên lửa.
Đền Pác Tạ là điểm đến tâm linh nằm dưới chân núi Pác Tạ, mang dấu tích của một ngôi đền cổ, nhiều cảnh đẹp xung quanh. Đền thờ phụng và tưởng nhớ vị hôn thê của tướng quân Trần Nhật Duật - vị tướng giỏi tài ba trấn thủ vùng đất Tuyên Quang lúc bấy giờ, là di tích lịch sử lưu lại dấu ấn nước ta chống quân Nguyên - Mông lần thứ 2 (1285). Với những giá trị về mặt văn hóa và lịch sử, đền Pắc Tạ là điểm đến thu hút hấp dẫn du khách gần xa. Lưu ý đây là điểm đến chỉ có tính chất tham quan, không có dịch vụ và các trò vui chơi.
Xôi ngũ sắc là món đặc trưng của dân tộc Tày Tuyên Quang, thường được làm trong các dịp lễ tết để dâng cúng thần linh. Xôi được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng, rất thơm và có năm màu: trắng, vàng, xanh, đỏ, tím; tượng trưng cho Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ; tượng trưng cho Đất, Nước, Mây, Mưa, Nắng thuận hoà. Xôi màu trắng là loại được dùng gạo nếp đồ bình thường, màu đỏ dùng lá cơm đỏ, màu xanh dùng lá gừng, lá giềng, màu vàng dùng củ nghệ, màu tím dùng lá cơm tím. Tất cả những nguyên liệu này đều có sẵn trong vườn nhà của người dân tộc Tày. Người Tày cũng dùng những chõ đồ xôi loại đặc biệt, chõ cao được làm bằng gỗ. Khi đồ xôi, cho gạo vào chõ, vảy thêm chút rượu trắng rồi đặt vào chảo nước xôi, đến khi nào có mùi thơm toả ra là xôi đã chín.
Đến với những ngôi nhà sàn người Tày thuộc Tuyên Quang bạn sẽ có cơ hội thưởng thức những món ngon dân dã và độc đáo trong đó có món bánh nếp nhân trứng kiến. Người ăn nên nếm từng miếng nhỏ để cảm nhận mùi vị thơm ngon của nếp, vị ngậy béo của nhân trứng kiến quyện lẫn hành và thì là. Tuy nhiên cũng có người vì nhạy cảm, thì có thể bị dị ứng khi ăn món bánh này.
Cá mắm ruộng được làm từ loại cá chép nuôi ở ruộng. Gạo nếp được xôi lên, để nguội rồi trộn đều với men rượu, ủ kín. Khi nôi nếp đã lên men thơm thì trộn đều với cá, riềng, lá trầu không, lá cơm đỏ, muối rồi cho vào hũ, cho thêm nước rồi dậy kín vài tháng. Mắm cá ruộng thơm ngon, hấp dẫn, dùng để châm các loại thịt luộc, rau luộc, rau sống, xào với trám om đã bỏ hạt, sẽ có món ăn mang hương vị vô cùng độc đáo.
Hầu hết đồng bào Tày ở Chiêm Hóa đều biết làm món mắm cá ruộng, nhưng không phải ai cũng làm được hũ mắm ngon. Để làm được mắm cá ruộng đòi hỏi phải qua một quy trình khá công phu. Khi cây lúa ruộng bắt đầu đẻ nhánh cũng là lúc bà con thả cá chép xuống ruộng. Sau 3 tháng nuôi ở ruộng, lúc lúa trĩu bông cũng là lúc tháo nước để bắt cá. Trước khi mang cá đi ủ trong hũ thì cá phải được xát muối, sau đó cho giềng và hành lá thái mỏng trộn đều rồi đổ vào hũ, mùa hè thì ủ từ 3-5 ngày, mùa đông phải khoảng 1 tuần.
Những con cá bống suối được chiên giòn, chín vàng thơm phức hay món cá bống chưng tương đậm đà sẽ làm tăng hương vị cho bữa cơm trong ngày trời lạnh. Món cá suối dân dã này khi ăn với cơm nóng sẽ rất ngon, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức món ăn này khi đi du lịch Tuyên Quang
Thịt trâu ở vùng núi Tuyên Quang nổi tiếng là sạch, thịt thơm và ngọt. Khi trâu được mổ, lấy nguyên thịt nạc, dần mềm và ướp với tỏi, gừng, ớt, sả và những gia vị khác rồi đem sấy trên than củi hoặc hun khói trên gác bếp.
Thịt chua là món ăn dân dã, mang đậm chất ẩm thực dân tộc Tày. Những nguyên liệu chế biến rất đơn giản chỉ bao gồm thịt lợn, muối tinh và cơm nguội. Thịt chua làm không khó nhưng cần nhiều thời gian mới được thành phẩm ưng ý.
Thịt ủ ngắn ngày trước khi sử dụng nên hấp hoặc xào qua. Món thịt chế biến xong có mùi thơm của trầu, giềng và vị chua ngọt đặc trưng. Thịt mềm nên ăn với xôi nếp sẽ rất ngon.
Với thịt được ướp lâu hơn, khi ăn gỡ từng miếng thịt rồi gạt bỏ phần cơm nguội, miếng thịt lúc này đã săn lại, màu nhạt, có độ giòn của mỡ và độ dai sần sật của bì và thịt nạc. Có thể ăn kèm với lá lốt để thưởng thức hết độ ngon của thịt chua, vị mặn đậm đà của muối, vị ngọt của thịt, chua của men cùng hương thơm của lá lốt xanh quyện thành một hương vị rất khó quên.
Lên Na Hang chắc hẳn ai cũng nhớ đến hình ảnh những chú lợn màu đen, mõm dài, nhọn, có thân hình chắc, nhỏ, người ta gọi là “Lợn tên lửa”. Qua bàn tay khéo léo chế biến ẩm thực của người Na Hang, “Lợn tên lửa” đã thực sự trở thành món ăn độc đáo níu chân du khách đến với huyện vùng cao này. Thịt lợn tên lưa thơm, săn chắc, khi nấu không có nước, bì giòn…
Được thu hoạch nhiều vào mùa mưa khoảng tháng 7-8, măng là thực phẩm ưa thích của người dân bản địa ở Na Hang và được chế biến làm nhiều món ngon như măng nhồi thịt, canh măng hay măng khô.
Tuyên Quang không chỉ được biết đến bởi vẻ đẹp tự nhiên của những người con gái dân tộc nơi đây mà còn nổi tiếng bởi món rượu ngô Na Hang thơm nồng và êm dịu. Rượu được nấu từ ngô cùng men lá rừng được chọn từ 20 loại thảo dược như cán cuông, khúc khắc, ớt rừng, tẳng tó, lép nặm, nhân trần, mác mjầu, khau thương, pài đổng (cây vải rừng), chuối njồm, lạc moong, nét tỉ, hoom qua (chỉ thiên), một lá, tham tràng, trầu rừng, đứa poóng, mạt cần, củ giềng, củ xả, thêm vào đó là rau răm, môn thục, cam thảo, lá quế và được chưng cất theo phương pháp gia truyền của người dân Na Hang.
Chỉ cần nhấp một chút rượu ngô thôi, bạn sẽ có những cảm giác vô cùng mới lạ. Không cay nồng như những loại rượu ở miền xuôi, không nồng nàn như những chai sâm panh, mà nó mang một hương vị hoàn toàn mới, hương vị ấy là sự pha trộn của núi rừng Na Hang. Cái hương vị thơm mát lan tỏa của rượu ngô từng chút, từng chút được ngấm vào trong cơ thể bạn, khiến bạn có cảm giác như một dòng suối đang chảy trong cơ thể mình.
Bánh gai Chiêm Hoá được làm từ lá gai, gạo nếp, đỗ xanh, dừa tơi, mứt bí, hạt sen, dầu chuối, mỡ lợn. Muốn có chiếc bánh thơm ngon phải chọn gạo nếp cái hoa vàng, vỏ sạch rồi ngâm với nước lạnh để qua đêm, sau đó để ráo nước và xay thành bột. Lá gai phơi khô tước bỏ hết gân, thái nhỏ đem luộc rồi vắt kiệt nước xay nhuyễn trộn với bột và mật mía để làm vỏ bánh. Hương vị của lá gai quyện vào mùi thơm của gạo nếp với lá chuối khô tạo nên hương vị đặc trưng của bánh gai Chiêm Hoá.
Người dân trong vùng quen gọi cam Hàm Yên là cam làng Mường. Theo lời các cụ kể lại, khoảng năm 1890, khi hai cụ già người dân tộc đi bẫy thú ở núi Quan Tiên, bản Mường, xã Phong Lưu, huyện Hàm Yên, dừng chân nghỉ thì thấy một cây có quả đã chín vàng, lá nhọn nên hái ăn thử. Thấy quả có vị ngọt, thơm mát, giúp người tỉnh táo, hai cụ bèn đem hạt về trồng trong vườn nhà và bắt đầu nhân giống từ đó.
Nguồn đất phù hợp cùng hệ thống nước tưới dẫn từ đỉnh núi xuống khiến cam sành Hàm Yên cho quả mọng nước, ngọt thơm hơn nhiều vùng khác. Cam Hàm Yên thường có màu xanh, khi chín chuyển màu cam vàng óng. Vỏ quả mỏng và hơi sần, mọng nước, bên trong ruột vàng sánh như mật, ngọt đậm.
Hồng Xuân Vân là loại hồng không hạt, thịt của quả có màu hồng, khi ăn có vị ngọt thanh và giòn. Hồng Xuân Vân được biết đến như món quà của xứ Tuyên mà ai khi đến thăm Tuyên Quang cũng đều muốn mang về làm quà.
Trong các tỉnh miền Bắc, Tuyên Quang được coi là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng chè lớn. Cây chè rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương. Chè Tuyên Quang khi uống vào có vị chát chuyển vị ngọt dần và mùi thơm đặc trưng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn